3 dấu hiệu bạn đang dạy con đúng cách

3-dau-hieu-ban-dang-day-con-dung-cach

Làm thế nào để biết bạn đang dạy con đúng cách? Nếu con có 3 thói quen sau thì có lẽ ba mẹ đang dạy con đúng hướng rồi! Hãy cùng tiếp tục cố gắng cha mẹ nhé! 

1. Con biết nhận lỗi

Không phải đứa trẻ nào cũng nhận thấy lỗi sai và dũng cảm dám nói lời xin lỗi. Vì trẻ thường có tâm lý xấu hổ, ngại ngùng, không dám đối diện với lỗi mình gây ra. Nếu không được giáo dục đúng cách, trẻ sẽ trở thành người trốn tránh lỗi sai, không có trách nhiệm trong cuộc sống.

Khi mắc lỗi trẻ thường có tâm lý xấu hổ, ngại ngùng, sợ sệt và không dám đối mặt.

Vì vậy, nếu cha mẹ thấy con mình dũng cảm dám nhận lỗi, từ những việc nhỏ như: Lỡ ngủ quên để muộn học, bị điểm kém, chưa hoàn thành bài tập về nhà,… thì đừng vội mắng con. Đầu tiên, hãy dành lời khen bởi con dám đứng ra nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác. Sau đó, cha mẹ hãy nhắc nhở con rút ra bài học để lần sau không tái phạm.

>>> Tìm hiểu thêm: 6 Bí Quyết Dạy Con Của Người Hà Lan

Để khích lệ con tiếp tục phát huy thói quen tốt này, cha mẹ cần trở thành tấm gương sáng cho con bằng cách nói lời xin lỗi. Trẻ rất tinh ý nếu phát hiện cha mẹ dạy 1 bài học nhưng bản thân cha mẹ lại không thực hiện theo. Cho dù là một lỗi nhỏ thì các ông bố, bà mẹ cũng cần nói lời xin lỗi để trẻ thấy đây là việc nên làm. Trở thành tấm gương cho trẻ không phải là việc khó nhưng cần sự kiên trì, nhẫn nại và tinh tế.

2. Con chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó

Nếu trẻ sẵn sàng nói ra mọi điều trong lòng, từ chuyện vui cho đến những khúc mắc thì điều đó khẳng định mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đang rất gắn bó. Điều này còn thể hiện việc trẻ đang tin tưởng cha mẹ và muốn lắng nghe những lời khuyên hữu ích. Không phải đứa trẻ nào cũng sẵn sàng chia sẻ bí mật hay những điều đang vướng mắc bởi tâm lý ngại ngùng, sợ bị dò hỏi, khiển trách.

3-dau-hieu-ban-dang-day-con-dung-cach

Vì thế, khi thấy trẻ gặp vướng hay thậm chí là vấp ngã, cha mẹ hãy dịu dàng ở bên động viên, giúp trẻ vượt qua khó khăn. Lúc này, đừng dò hỏi, trách mắng, hãy khích lệ tinh thần trẻ. Đôi khi, chỉ cần ánh mắt chan chứa yêu thương, cái nắm tay ấm áp cũng là nguồn động lực lớn đối với trẻ.

3. Con thường xuyên tìm tới cha mẹ để trò chuyện

Có bao giờ cha mẹ thắc mắc vì sao trẻ hồi nhỏ thường quấn quýt ở bên, nhưng càng lớn càng xa cách không? Đặc biệt là khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì – tuổi ẩm ương thì trẻ lại càng kiệm lời. Nhiều khi vì cha mẹ bận rộn công việc, không có thời gian quan tâm đến con cái. Hoặc đôi lần trách mắng con, thậm chí là cả những lần mắng oan khiến trẻ hờn dỗi, có chút ngượng ngùng mỗi khi muốn mở lời. Không phải vì trẻ hết yêu cha mẹ mà bởi trong lòng trẻ đang có 1 bức ngăn vô hình chưa thể bước qua.

Ngược lại, những đứa trẻ thường xuyên trò chuyện vui vẻ, cười đùa thân mật cùng cha mẹ chứng tỏ trẻ đang rất hạnh phúc, nhận được tình yêu thương đong đầy. Nếu thấy trẻ hào hứng kể đủ chuyện vụn vặt như: Bài học trên lớp, trò đùa tinh nghịch, những người bạn thân,… thì xin chúc mừng cha mẹ. Bởi bạn đang có phương pháp nuôi dạy con khoa học, giúp con cởi mở khi chia sẻ mọi vấn đề.

>> Đọc thêm về cách dạy con cùng KidsUP tại ĐÂY  

Theo Phụ nữ Việt Nam

Chia sẻ bài viết

Bài viết liên quan
Đăng ký nhận bản tin
Ưu đãi
Fanpage