Dạy con không đòn roi với hình phạt Time-out

Dạy con không đòn roi với hình phạt time-out

Dạy con không đòn roi thì bố mẹ nào cũng hướng đến, nhưng trong cuộc sống mỗi ngày, thật khó để giữ bình tĩnh trước mọi tình huống khi trẻ vô tình gây chuyện. Kids UP sẽ chỉ bố mẹ một trong các kỷ luật mềm được ưa chuộng nhất hiện nay để dạy con không đòn roi, đó là Time-out. Cùng tìm hiểu nhé!

Time out giống như úp mặt vào tường của Việt Nam

Time out giống như úp mặt vào tường của Việt Nam (nguồn: hellbacsi)

Time-out là gì?

Đây là hình thức tách trẻ khỏi tình huống con gây phiền nhiễu. Trẻ nhờ đó được trấn tĩnh hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn về việc sai vừa làm và tự rút ra bài học. Phương pháp này phù hợp với trẻ từ 3 đến 5 tuổi, ở độ tuổi con đã có nhận thức nhất định để phân tích về hành động vừa làm, hiểu căn bản giữa việc đúng – sai.

Nói một cách đơn giản, việc úp mặt vào tường hay đứng một góc lớp mà ngày xưa thầy cô thường làm cũng có nét tương tự với Time-out.

Nguyên tắc dạy con không đòn roi trong Time-out

Khi bé đang trong hình phạt Time-out, con không được trò chuyện với bất kỳ ai, không được đòi hỏi, yêu cầu làm gì dù là đòi đi vệ sinh hay uống nước. Đây là hình thức con bị cô lập trong thời gian ngắn, có ý nghĩa rằng, nếu con làm sai, con bị phạt và không được chơi với ai, kể cả với đồ chơi.

Với hình thức dạy con không đòn roi này, bố mẹ cần kiên nhẫn, đặc biệt trước sự mè nheo, khóc lóc của con, cũng như thời gian. Tuy nhiên hãy tin tưởng, vì hình thức này đã được nhiều bố mẹ trong và ngoài nước áp dụng thành công khi uốn nắn những hành vi chưa tốt của các bạn nhỏ 3 – 5 tuổi.

Cách thực hiện dạy con không đòn roi với Time-out

Con không nghe lời sau 2 lần và chịu hình phạt Time-out

Con không nghe lời sau 2 lần và chịu hình phạt Time-out (nguồn: hellobacsi)

Răn đe, cảnh báo trước một cách cụ thể

Nếu con 3 – 5 tuổi và vui chơi, chạy nhảy, bố mẹ có thể thoải mái tạo môi trường cho con. Nhưng nếu con làm điều sai, ảnh hưởng người khác, bạn chưa cần phạt con ngay mà phải răn đe, cảnh báo trước nếu còn tiếp tục hành vi thì con sẽ bị phạt. Tuy nhiên trẻ sẽ quên, và nếu trẻ bị nhắc nhở 2 lần mà vẫn tái phạm, hãy nghiêm khắc thông báo: con bị phạt và đưa bé vào chỗ được quy định để phạt từ trước. Nếu bạn đưa ra cảnh báo và bé biết dừng lại đúng lúc, bạn nên dành lời khen cho con.

Nếu trẻ lúc này xin lỗi và khóc lóc sau khi bố mẹ đã tuyên bố con bị phạt, bạn không nên nhân nhượng mà vẫn tiếp tục thực hiện hình phạt.

Thời gian chịu phạt

Thời gian chịu phạt tương ứng với độ tuổi của con, tức là nếu con 2 tuổi sẽ chịu phạt Time-out trong 2 phút, nếu con 5 tuổi là 5 phút. Nếu sau khi con đã chịu phạt mà bé vẫn tái phạm, bé tiếp tục chịu phạt lần nữa. Lưu ý là số lần phạt trong ngày không nên nhiều hơn 20 lần, làm ảnh hưởng tâm lý bé.

Khi trong thời gian chịu phạt mà con tự rời bỏ chỗ phạt đã qui định trước, hoặc chạy ra bà, hoặc chơi đồ chơi, bạn chỉ nên giữ im lặng và tỏ thái độ nghiêm khắc, đưa con về chỗ phạt và tính giờ lại từ đầu.

Vị trí chịu phạt

Nơi ít người qua lại, hoặc phòng riêng của con là tốt nhất. Bởi khi trẻ 3 – 5 tuổi, con đã có cái tôi riêng, và việc bị nhiều người nhìn ngó mình bị phạt là cảm giác không vui vẻ gì với con. Bố mẹ không nên dựa vào tâm lý này để bêu rếu con với người khác, khiến con xấu hổ và thậm chí có những hành vi tệ hơn.

Không nên phạt con ở nơi có tivi, đồ chơi. Bố mẹ không nên chọn nơi gần cửa sổ nhìn ra bên ngoài, hay chỗ gần thú cưng để gây nhiễu sự tập trung của con. Mục đích là để con có sự yên tĩnh tuyệt đối, để suy nghĩ về hành động, và con chán với vị trí này, từ đó tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

Nếu đang ở nơi công cộng, bố mẹ hãy dắt con ra chỗ ít người để phạt con, nhưng không quên quan sát con.

Kết thúc hình phạt – bước quan trọng để dạy con không đòn roi

Kết thúc hình phạt Time-out ra sao

Kết thúc hình phạt Time-out ra sao (nguồn: hellobacsi)

Sau khi đã áp dụng Time-out, bạn cần phải nói chuyện với con để hỏi lại bé, nói rõ với con về hành động sai của con, về lý do tại sao bị phạt, và hỏi con phải xử lý thế nào để lần sau không bị tái phạm, cũng như tìm hiểu lý do con gây lỗi là gì.

Đừng tiếc lời khen ngợi nếu sau khi bị phạt, con có những hành động tích cực nhé!

Lưu ý:

Có nhiều bạn nhỏ cá tính mạnh, la hét, khóc lóc trong suốt thời gian trước trong và sau Time-out. Việc bố mẹ nên làm là “bơ”, không để ý hành động đó. Bởi tâm lý bình thường con sẽ phản kháng với hình phạt như khóc lóc, gào thét. Tùy vào khả năng kiểm soát và kinh nghiệm trải nghiệm hình phạt, con có thể nín ngay sau đó nhưng vẫn sẽ dai dẳng khóc.

Những lần đầu con chưa quen, con chống đối mạnh mẽ là bình thường. Sau một vài lần đã hiểu mình bị phạt Time-out vì làm sai, trẻ sẽ ngưng khóc vì hiểu rằng mình khóc lóc không có tác dụng gì, không ai để tâm.

Nếu bé vẫn khóc khi thời gian phạt đã hết, không nên tiếp tục phạt mà nói nhẹ nhàng với bé, nếu lần sau con lại bị phạt vì hành vi tương tự, bố mẹ chỉ cho con rời vị trí nếu con hết khóc và biết nghe lời.

Chia sẻ bài viết

Bài viết liên quan
Đăng ký nhận bản tin
Ưu đãi
Fanpage